Bệnh đau dạ dày, những điều cần biết

Bệnh đau dạ dày là gì?
Dạ dày là túi đựng thức ăn nối thực quản với tá tràng. Dung lượng dạ dày có thể chứa được 1-1,5 lít và đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa của cơ thể.
Đau dạ dày là tình trạng các niêm mạc của dạ dày bị tổn thương, viêm loét, dẫn đến những cơn đau âm ỉ và khó chịu cho người bệnh.

Bệnh đau dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến nhất về đường tiêu hóa. Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đau dạ dày ngày càng gia tăng. Không những người già, trung niên mà thanh niên, trẻ em cũng là những lứa tuổi có thể mắc phải.

Triệu chứng của bệnh đau dạ dày

BỆNH ĐAU DẠ DÀY LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐAU DẠ DÀY NHƯ THẾ NÀO?

Tỷ lệ mắc bệnh đau dạ dày ở nước ta hiện nay chiếm hơn 7% dân số. Tùy vào tình trạng mà triệu chứng ở mỗi người là khác nhau. Nếu có nhiều hơn hai trong số các biểu hiện dưới đây, hãy cẩn trọng vì có thể bạn đã mắc bệnh đau dạ dày:

  • Đau vùng thượng vị, cảm giác nóng rát hoặc râm ran: Đây là dấu hiệu thường có ở bệnh nhân bị đau dạ dày. Người bệnh sẽ cảm thấy đau âm ỉ và tức vùng bụng, đau nóng rát rất khó chịu. Những cơn đau vùng thượng vị thường liên quan đến bữa ăn (ăn quá no, để bụng quá đói…) và có tính chu kỳ.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Triệu chứng này là biểu hiện của các bệnh có liên quan tới dạ dày gây ra nôn như: viêm dạ dày cấp, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, chảy máu dạ dày. Nếu người bệnh nôn nhiều sẽ kéo theo các hệ lụy như rách niêm mạc thực quản tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Ợ hơi hoặc ợ chua: Do dạ dày hoạt động bị rối loạn nên thức ăn khó được tiêu hóa dẫn đến tình trạng bị lên men nên người bệnh sẽ có biểu hiện ở hơi, ợ chua. Ợ hơi, ợ chua gây nên sự khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Đầy bụng, khó tiêu: Dạ dày hoạt động không tốt khiến cho thức ăn được tiêu hóa chậm, sau khi ăn, người bệnh cảm thấy chướng bụng, đầy bụng, cảm giác nặng nề, ấm ách.
  • Chán ăn, mệt mỏi: Bệnh nhân bị đau dạ dày thường có dấu hiệu kém ăn, ăn kém ngon dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, dễ sút cân.
  • Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày là hiện tượng máu thoát ra khỏi thành mạch và chảy vào lòng ống tiêu hóa. Những biểu hiện cơ bản dễ nhận thấy của xuất huyết dạ dày là: bị nôn ra máu đỏ tươi, máu đen hoặc đi ngoài ra máu. Khi người bệnh có hiện tượng này là do những bệnh lý về dạ dày như loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…. hoặc có thể đi ngoài ra máu do bệnh trĩ. Khi thấy biểu hiện này người bệnh cần đi khám ngay kẻo gây nguy hại đến tính mạng.

Trên đây là một số những dấu hiệu tiêu biểu của bệnh đau dạ dày, tuy nhiên không loại trừ trường hợp bạn đang bị các bệnh về đường tiêu hóa khác hoặc các bệnh lý toàn thân. Chính vì vậy hãy luôn theo dõi và lắng nghe cơ thể mình để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh

Các nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày cũng đa dạng như triệu chứng của nó. Trong số đó thì vi khuẩn Hp (Helicobacter Pylori) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đau dạ dày.

Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là loại vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại trong môi trường acid đậm đặc của dạ dày. Vi khuẩn HP có thể gây nên các bệnh về dạ dày như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Đau dạ dày do nhiễm khuẩn Hp thường ở dưới dạng cấp hoặc mãn tính, niêm mạc dạ dày bị tổn thương ở một phần hoặc tất cả dạ dày. Ban đầu bệnh chỉ có biểu hiện viêm nông, nhưng theo thời gian vi khuẩn Hp có thể khiến dạ dày bị teo niêm mạc.

Cách thăm khám trực quan thông thường có thể dẫn đến việc bỏ sót nguyên nhân hàng đầu trong việc truy tìm thủ phạm dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Chính vì thế, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ thường sử dụng biện pháp nội soi và kết hợp xét nghiệm nhằm kiểm tra loại vi khuẩn này có tồn tại hay không.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống phản khoa học, không điều độ cũng góp phần rất lớn khiến cho dạ dày bị suy yếu và tổn thương. Ăn không đúng giờ giấc, ăn trước khi đi ngủ hoặc ăn quà vặt nhiều lần trong ngày đều khiến quá trình bài tiết dịch vị tiêu hóa bị rối loạn, từ đó dẫn đến bệnh đau dạ dày.

Ngoài ra, sử dụng nhiều các thức uống có cồn như bia, rượu… không chỉ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mòn, còn ảnh hưởng đến các chức năng của gan và có hại đến hệ thống thần kinh trung ương. Chính vì vậy để phòng tránh cũng như hỗ trị điều trị bệnh đau dạ dày, bạn nên giảm thiểu một cách tối đa và thậm chí kiêng hẳn bia rượu để có được kết quả tốt nhất.

Các biến chứng thường gặp của đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Ung thư dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị.

Nếu bị xuất huyết dạ dày với biểu hiện là nôn hoặc đi ngoài ra máu thì bạn cần hết sức cẩn trọng và nhanh chóng đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, đau dạ dày với nguyên nhân do nhiễm khuẩn Hp dễ dẫn đến tình trạng viêm loét và ung thư dạ dày. Chính vì vậy khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh bạn cần phải đề cao cảnh giác và tuân thủ phác đồ điều trị càng sớm càng tốt.

Cách thức chẩn đoán bệnh đau dạ dày

Triệu chứng đau dạ dày nhẹ - nặng: Cách nhận biết & điều trị

Dựa vào những triệu chứng lâm sàng tiêu biểu, kết hợp với bệnh sử gần đây của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê đơn và cho thuốc sau khi hỏi bệnh và thăm khám bên ngoài. Tuy nhiên nếu bệnh đã chuyển sang dạng mãn tính, hoặc các biểu hiện không rõ ràng, chỉ định nội soi, xét nghiệm máu và làm sinh thiết là những biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác định chính xác bệnh nhân có bị đau dạ dày hay không và đang tiến triển ở giai đoạn nào.

Nội soi dạ dày là một xét nghiệm được thực hiện để quan sát trực tiếp hình ảnh bên trong dạ dày – tá tràng thông qua một ống dài linh động, có nguồn đèn sáng và camera ở đầu. Ống nội soi được bác sĩ đưa vào miệng và họng của bệnh nhân, sau đó đi qua thực quản rồi xuống dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non).

Có rất nhiều dạng đau dạ dày mà phổ biến nhất là viêm dạ dày nông và viêm teo niêm mạc. Bên cạnh đó chứng viêm dạ dày sướt hoặc xuất huyết cũng có thể xảy ra do những căng thẳng về tâm lý, sử dụng quá nhiều các loại thuốc giảm đau hoặc bia rượu.

Một lưu ý nhỏ nhưng không kém phần quan trọng đó là bệnh nhân cần phải xác định được mình có bị đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp hay không. Cách thức đơn giản nhất để biết được đó chính là chú ý đến kết quả âm tính hoặc dương tính với vi khuẩn Hp mà bạn luôn được biết sau khi thăm khám xong. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn biết thêm về tình trạng bệnh lý của mình cùng các kiến thức chuyên sâu khác về y khoa.

 

Cách điều trị bệnh đau dạ dày

Đây là một bệnh lý có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc của mỗi người. Chính vì vậy bên cạnh việc sử dụng đúng cách các loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn, người bệnh cũng cần phải chú ý điều chỉnh lại lối sống của mình sao cho hợp lý và khoa học, ví dụ như:

  • Ăn uống đúng giờ, hạn chế các chất kích thích như chua, cay, nóng
  • Hạn chế sử dụng bia rượu
  • Chế độ làm việc và nghỉ ngơi cân bằng
  • Thư giãn cơ thể và tinh thần
  • Không hút thuốc lá
  • Tránh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau

Đối với trường hợp bệnh nhân bị đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp, phác đồ điều trị thường kéo dài khoảng 7-14 ngày. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng cũng như thời gian sao cho hợp lý về tình trạng bệnh của mỗi người.

dau da day

Hy vọng rằng, với những kiến thức tổng quan về bệnh đau dạ dày trong bài viết trên đây đã giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện và hiểu rõ hơn về căn bệnh thường gặp và gây không ít phiền toái này trong cuộc sống của chúng ta. Chúc các bạn luôn vui khỏe và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày!

 

admin

admin

Leave a Replay

Đăng ký nhận tin

Click edit button to change this text. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit